19/7/12

Tiêu dùng chia sẻ: Xu hướng kinh doanh 'hot' ở Mỹ

[Tư vấn Marketing - Xu hướng] Người Mỹ với rất nhiều ngành nghề, kỹ năng và thời gian kết nối trực tuyến, đồng thời am hiểu công nghệ đang háo hức tham gia vào một phong trào có tên gọi “tiêu dùng cộng tác” hay “kinh tế chia sẻ”. Họ sẵn sàng cho thuê nhà, thuê phòng, thuê ô tô của mình khác để có thêm thu nhập.

Phong trào này cho thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa mạng xã hội trực tuyến, công nghệ di động và xu hướng tiết kiệm trong bối cảnh kinh tế bất ổn.

Vợ chồng ông Adam Hertz, Giám đốc điều hành một công ty cáp ở San Francisco, nhiệt tình nắm bắt phong trào này. Do con cái đã trưởng thành hết nên họ quyết định cho thuê một phòng hai giường ngủ thông qua Airbnb, một trang web chuyên cho người dùng thuê phòng, căn hộ, nhà ở của người dân. Căn phòng của Hertz cho thuê với giá 99$ một đêm và thường xuyên có khách. Hertz cho biết: "Chúng tôi tiếp đón một số doanh nhân công nghệ thú vị, có những khách đến từ Australia và Singapore. Và thu nhập cũng rất tốt".

EBay và Craigslist tiên phong mô hình thương mại P2P (P2P: kinh doanh thương mại giữa hai nhóm đối tượng, trong đó người mua và người bán đều là cá nhân) thông qua các công cụ cho phép người dùng ẩn danh, tải ảnh sản phẩm lên mạng và mô tả nhanh chóng và dễ dàng.

Hình thức kinh doanh mạo hiểm trong những năm gần đây với sự xuất hiện của nhiều quỹ đầu tư vốn mạo hiểm nhắm tới những thị trường ngách đã làm phong trào này phát triển nhanh hơn với các thiết kế thân thiện với người dùng và sự gắn kết chặt chẽ với các mạng xã hội như Facebook, LinkedIn và Twitter.

Mọi thứ đều có thể chia sẻ và ra tiền

Bạn có thể cho người lạ thuê phòng, thuê xe ô tô, chỗ đỗ xe hay tìm người đi chung xe. Zimride là dịch vụ đi chung xe lớn nhất ở Mỹ kết nối người lái xe và hành khách thông qua mạng xã hội. Ngay cả không gian làm việc, hay các vật dụng cá nhân như máy khâu cũng có thể được chia sẻ hoặc trao đổi lấy các vật dụng khác.

Craig Shapiro, người sáng lập Quỹ cộng tác, một quỹ đầu tư vốn mạo hiểm tập trung vào các trang chia sẻ cho biết,Có những người nhờ hình thức kinh doanh này mà kiếm được hơn 5.000 USD một tháng ở San Francisco. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chia sẻ này tạo ra sự khác biệt nhờ tiếp thu công nghệ mới và mô hình kinh doanh này cũng hiệu quả hơn vì không mất nhiều chi phí tiếp thị, chi phí vận chuyển...

Tại Zimride, một trang dành cho các cá nhân mời chào và kiếm được tiền từ việc cho đi chung xe, số lượng chuyến đi đã tăng gấp đôi tới khoảng 30.000 trong năm qua. Số lượng các công việc tạm thời được đăng mỗi tháng trên TaskRabbit tăng gấp 3 vào năm ngoái. Airbnb cung cấp dịch vụ cho thuê phòng khoảng 10 triệu đêm từ khi thành lập cách đây 4 năm và độ tuổi trung bình của khách hàng là 35. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chia sẻ sẽ thu được lợi nhuận lớn nếu có thể phát triển đủ số lượng người dùng trang của họ.

Julianna Iran, một tư vấn thuế ở California nhờ trang Zimride để tìm người đi chung xe với cô mỗi khi cô lái xe đến San Francisco vài lần một năm. Mỗi lần cho đi chung xe cô kiếm được 40-50 USD giúp cô giảm chi phí xăng dầu. Mô hình kinh doanh chia sẻ đang giúp nhiều người kiếm thêm tiền. Những người sở hữu ô tô trên RelayRides mỗi tháng kiếm được 250 USD.

Cynthia De Acha, một nhân viên lập kế hoạch sự kiện ở California đã tìm ra nguồn thu nhập mới nhờ làm việc như một nhân viên thời vụ tại TaskRabbit. Sau khi vượt qua kiểm tra lý lịch và phỏng vấn qua video, cô được công nhận là một thành viên của TaskRabbit và có thể nhận làm những việc đơn giản. Cô làm việc các công việc như dọn dẹp văn phòng, giao bánh... khoảng 20 giờ mỗi tuần và kiếm được 18-35 USD một giờ.

Những rủi ro

Niềm tin, sự sẵn sàng làm kinh doanh với những người lạ cũng là một vấn đề khiến doanh nghiệp đau đầu và khiến họ không tăng được số lượng người dùng.

Mạng xã hội trực tuyến như Facebook khiến cho người dùng có ấn tượng rằng họ đang giao dịch với những người có nhiều thông tin trên Internet. Loosecubes yêu cầu người dùng đăng ký bằng tài khoản Facebook hoặc LinkedIn. Người dùng của Zimride cũng đăng ký thông qua Facebook. Zimride cũng tiếp thị dịch vụ đi chung xe tới các trường đại học và các công ty lớn để khiến mọi người có cảm giác là họ đang giao dịch với "người thật".

Tuy nhiên, việc kinh doanh dịch vụ chia sẻ này không phải là không có rủi ro, thực tế đã xảy ra một số sự cố. Năm ngoái, một phụ nữ ở San Francisco tìm được một khách thuê phòng thông qua trang Airbnb, và vị khách này trộm cắp đồ đạc của cô. Từ sau sự cố này, Airbnb hợp tác với hãng luật Lloyd's of London giới thiệu chương trình bảo hiểm cho các chủ nhà lên tới 1 triệu USD đối với các vật dụng trong nhà.

Trang web chuyên cho thuê xe ô tô RelayRides, cũng cung cấp bảo hiểm cho mỗi sự cố lên đến 1 triệu USD cho các chủ xe, đang phải giải quyết một vụ việc nghiêm trọng ở Massachusetts. Một phụ nữ ở Massachusetts cho khách hàng của RelayRides thuê xe, người này bị chết trong một tai nạn sau khi đâm chiếc xe khác. Những người bị thương trên chiếc xe kia đã kiện và khẳng định thiêt hại vượt quá 1 triệu USD. Vụ việc vẫn đang chờ giải quyết.

Tác động đến nền kinh tế

Theo Rob Atkinson, một nhà kinh tế và chủ tịch của Quỹ Công nghệ thông tin &Sáng tạo, kinh doanh dịch vụ chia sẻ là một xu hướng đang phát triển, và cũng có ảnh hưởng kinh tế rộng hơn..

Trong khi quan điểm kinh tế Keynes cổ điển cho rằng sự tiêu dùng của những khách hàng giàu có thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì mô hình kinh tế chia sẻ khuyến khích việc sử dụng hiệu quả hơn những hàng hóa có sẵn và chuyển vốn sang hình thức tiêu dùng khác và đầu tư.

Giả sử một người tiêu dùng đang tìm mua một chiếc ô tô nhưng cuối cùng quyết định thuê xe từ một trang chia sẻ, người đó sẽ không phải tốn tiền để "nuôi" chiếc xe như tiền xăng, tiền bảo dưỡng.

Hiện nay, mọi người chi tiêu vào những thứ có giá trị với họ. Tại sao bạn mua một chiếc máy khi chỉ sử dụng một lần mỗi năm. Nếu chúng ta chia sẻ chiếc máy đó thì chúng ta có giá trị của việc sở hữu chiếc máy, tức là vừa được sử dụng chiếc máy vừa kiếm được tiền từ việc chia sẻ chiếc máy và chúng ta sử dụng tiền để tạo ra việc làm trong những ngành khác. Như vậy, nền kinh tế sẽ tăng trưởng tốt hơn.

Theo VeF (Thanh Hằng /USA Today)