1/6/12

Xây dựng Hệ thống nhận diện thương hiệu

Xây dựng Hệ thống nhận diện thương hiệu
[Marketing4u.vn] - Sự nhất quán của Hệ thống nhận diện Thương hiệu (hay còn gọi là Bộ nhận diện thương hiệu) và việc sử dụng đồng bộ các phương tiện truyền thông sẽ làm cho mối quan hệ giữa mua và bán trở nên dễ dàng và gần gũi hơn. Giờ đây người tiêu dùng mua sản phẩm một cách chủ động, họ tự tin ra quyết định mua hàng bởi vì họ tin vào Thương hiệu cũng như những giá trị mà Thương hiệu mang đến cho họ.
Hệ thống nhận diện của một thương hiệu (HTND Thương hiệu) là tất cả các loại hình và cách thức mà thương hiệu có thể tiếp cận với Khách hàng như: Logo công ty, khẩu hiệu, nhạc hiệu, công ty ca, bao bì, nhãn mác; biển, băng rôn quảng cáo; các mẫu quảng cáo trên Media; các vật phẩm và ấn phẩm hỗ trợ quảng cáo (Tờ rơi, poster, catalog, dây cờ, áo, mũ...); các phương tiện vận tải; bảng hiệu công ty; các loại ấn phẩm văn phòng; hệ thống phân phối, chuỗi các cửa hàng và các hình thức PR, sự kiện khác...

Đơn giản hơn, HTND Thương hiệu chính là những gì người tiêu dùng nhìn thấy, nghe thấy về thương hiệu ấy trong cuộc sống hàng ngày.

Mục tiêu của HTND Thương hiệu không chỉ là tạo sự nhận biết, sự khác biệt, thể hiện cá tính đặc thù doanh nghiệp mà còn nhắm đến việc tác động đến nhận thức, tạo cảm giác về quy mô của doanh nghiệp là lớn, tính chuyên nghiệp là cao của doanh nghiệp đối với khách hàng và công chúng.

Ngoài ra đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thì bổ sung trong bộ nhận diện thương hiệu là cung cách phục vụ khách hàng, thái độ phục vụ khách hàng, quy trình làm việc khoa học bài bản mang đậm bản sắc văn hoá của doanh nghiệp đó.

1. Tại sao doanh nghiệp cần có HTND Thương hiệu

HTND Thương hiệu là một công cụ để quảng bá Thương hiệu hữu hiệu, nó là một tài sản cần phải được chăm sóc, quản trị và đầu tư một cách sâu rộng và dài lâu.

a. Người tiêu dùng nhận biết và mua sản phẩm dễ dàng.

Một HTND Thương hiệu tốt sẽ mang tính thuyết phục và hấp dẫn cao, nó giới thiệu một hình ảnh Thương hiệu chuyên nghiệp, khác biệt và dễ nhận biết đối với Người tiêu dùng, đó là điều tạo nên sự thành công. HTND Thương hiệu còn mang đến cho người tiêu dùng những giá trị cảm nhận về mặt lý tính (chất lượng tốt, mẫu mã đẹp…) và cảm tính (Chuyên nghiệp, có tính cách, đẳng cấp…), nó tạo một tâm lý mong muốn được sở hữu sản phẩm.

b. Thuận lợi hơn cho lực lượng bán hàng.

Sự nhất quán của HTND Thương hiệu và việc sử dụng đồng bộ các phương tiện truyền thông sẽ làm cho mối quan hệ giữa mua và bán trở nên dễ dàng và gần gũi hơn. Giờ đây người tiêu dùng mua sản phẩm một cách chủ động, họ tự tin ra quyết định mua hàng bởi vì họ tin vào Thương hiệu cũng như những giá trị ưu việt mà Thương hiệu mang đến cho họ.

c. Tác động vào giá trị công ty

Tạo cho cổ đông niềm tin, dễ dàng gọi vốn đầu tư, có nhiều thế mạnh trong việc nâng cao và duy trì giá cổ phiếu. Danh tiếng của Thương hiệu là một trong những tài sản giá trị nhất của công ty. Thành công của một Thương hiệu phụ thuộc rất lớn vào việc xây dựng nhận thức cộng đồng, củng cố danh tiếng và tạo dựng những giá trị. Một HTND Thương hiệu mạnh sẽ giúp xây dựng nhanh chóng tài sản Thương hiệu thông qua sự tăng trưởng về mặt nhận thức, sự hiểu biết, lòng trung thành của người tiêu dùng đối với Thương hiệu, nó làm cho giá trị Thương hiệu tăng trưởng một cách bền vững.

d. Tạo niềm tự hào cho nhân viên của công ty

e. Tạo lợi thế cạnh tranh

Tạo được các thế mạnh khi thương lượng với nhà cung ứng, nhà phân phối về giá cả, thanh toán, vận tải,...

f. Giảm chi phí quảng cáo và khuyến mãi. Vai trò hiệu quả, HTND Thương hiệu tạo ra ấn tượng tốt về sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp thông qua tính chuyên nghiệp, thống nhất và cộng hưởng sẽ tạo ra hình ảnh một thương hiệu lớn mạnh, giá trị đối với khách hàng và công chúng

2. Điều gì nếu không có HTND Thương hiệu

Chỉ số nhận biết thương hiệu hay mức độ nhận biết của người tiêu dùng về công ty và sản phẩm hay dịch vụ của công ty sẽ thấp.

Không có khả năng đưa thương hiệu lên vị trí nhớ đầu tiên trong tâm trí người tiêu dùng, giúp khách hàng nhận ra và nhớ đến mỗi khi cần.

Không tạo ra được đội ngũ khách hàng trung thành, thậm chí tạo nguy cơ mất khách hàng về tay một thương hiệu khác có ấn tượng mạnh hơn nơi tâm trí khách hàng.

Cảm nhận của khách hàng vè chất lượng, giá bán sẽ bất lợi cho sản phẩm.

3. Quy trình xây dựng HTND Thương hiệu

Bước 1: Nghiên cứu – Phân tích và Lập Chiến lược Thương hiệu

Một Dự án Xây dựng HTND Thương hiệu luôn bắt đầu bằng những nghiên cứu về chiến lược thương hiệu, sản phẩm và khách hàng từ đó những ý tưởng sáng tạo được hình thành, như:

    * Thuộc tính thương hiệu: bao gồm tên gọi , biểu tượng (logo), màu sắc đặc trưng , kiểu chữ, bố cục và các yếu tố khác.
    * Lợi ích thương hiệu: bao gồm cả lợi ích lý tính và cảm tính mà thương hiệu mang đến cho người tiêu dùng.
    * Niềm tin thương hiệu: là những lý do mà Người tiêu dùng có thể tin tưởng rằng thương hiệu có thể mang đến những lợi ích nói trên.
    * Tính cách thương hiệu: là tính cách, vẻ ngoài của thương hiệu.
    * Tính chất thương hiệu: tóm tắt yếu tố tạo sự khác biệt, thường được sử dụng như khẩu quyết tiếp thị.

Kết quả cuối cùng của bước 1 là Định hướng chiến lược của Dự án. Tất cả những ý tưởng, hình ảnh, thông điệp,.. đều xoay quanh định hướng này cho đến khi hoàn tất Dự án.

Bước 2: Thiết kế

Những thiết kế cơ bản hoàn tất sẽ được thuyết trình với Khách hàng và sẽ được điều chỉnh để chọn ra mẫu thích hợp nhất. Mẫu được chọn là xuất phát điểm cho việc triển khai toàn bộ những hạng mục thiết kế của Dự án.

Bước 3: Thực hiện công việc Đăng ký Bảo hộ Hệ thống Nhận diện

Bước 4: Áp dụng Hệ Thống Nhận Diện

Toàn bộ hạng mục thiết kế của Dự án được thiết kế theo từng nhóm cơ bản. Các thiết kế hoàn tất bao gồm tất cả những yếu tố thiết kế về kiểu dáng, màu sắc, chất liệu và cả những tư vấn cho Khách hàng trong việc đưa vào sản xuất thực tế. Hỗ trợ Khách hàng trong việc chọn lựa nhà cung ứng và giám sát trong quá trình sản xuất.