[Marketing4u.vn] Từ sau Tết Tân Mão đến nay, nếu giám đốc điều hành (CEO) nào vẫn cảm thấy “thanh thản” trên thương trường, thì đó là người may mắn!
Gặp nhau ở các hội nghị trong và ngoài nước, khi trao đổi về chuyện làm ăn, câu nói tôi thường được nghe là: “Công ty anh có nhiều tiền mặt không?”. Tại sao vậy? Vì không ai biết đợt khủng hoảng lần này đến lúc nào mới có lối ra.
Ngay như Mỹ, một cường quốc về in tiền và buộc cả thế giới phải dùng đã bị Standard & Poor’s đánh tụt hạng mức đáng tin cậy về sức khỏe tài chính-tiền tệ. Cùng một lúc, các nước phát triển về kinh tế, tài chính và công nghiệp ở châu Âu như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý... đang đứng bên bờ vực phá sản.
Điều gì đang xảy ra tại Mỹ, các nước châu Âu? Từ lĩnh vực hành chính công đến các tập đoàn hay các công ty, “thắt lưng buộc bụng” đang là mốt của quản trị. Lương chẳng những không tăng mà còn giảm. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tỷ lệ công ty phá sản cũng tương tự. Ai cũng lo, từ CEO đến nhân viên tạp vụ. Người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế khó khăn lại càng không dám tiêu dùng. Điều đó dẫn tới bộ máy sản xuất của các doanh nghiệp gần như tê liệt.
Các dấu hiệu thiểu phát ló dạng. Và các CEO lúc này chỉ còn biết giảm chi là chính. Họ không tuyển thêm nhân viên, thậm chí sa thải bớt người nếu có thể, giảm lương, các khoản dành cho nghiên cứu và đầu tư bị rút lại... Bảo tồn sự sống cho doanh nghiệp đã khó, lấy đâu ra niềm tin để đầu tư cho tương lai. Những cuộc thăm dò dư luận đều có một điểm chung đồng nhất từ CEO đến nhân viên là tâm lý bi quan cho hiện tại và tương lai.
Vậy ở Việt Nam thì sao? Có hai điểm mấu chốt là lạm phát trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái đã ở mức trên 21%, và lãi suất cho vay của ngân hàng vẫn ở mức cao ngất ngưởng. Có nhiều doanh nghiệp nếu được ngân hàng chào mời cho vay cũng không dám vay.
Trong cái vòng luẩn quẩn này, tôi nghĩ đối với nhiều CEO, đây quả là một cơn ác mộng. Lạm phát tăng nhưng có công ty dù cố gắng lắm cũng chỉ có thể tăng lương cho nhân viên ở mức 5%, những công ty không may mắn gặp cảnh hợp đồng bị đình trệ, nhà lãnh đạo chỉ còn biết giảm hết mức các khoản phúc lợi trước khi đi đến quyết định giảm lương. Đó là chưa kể có những CEO phải chịu áp lực nặng nề trước hội đồng quản trị và các cổ đông lớn, những người luôn ngồi họp ở vị trí quan tòa hay công tố viên vì công ty không có lãi để chia cổ tức hậu hĩnh.
Sóng gió kinh tế-tài chính năm 2009, 2011 và với một viễn cảnh 2012 không sáng sủa gì hơn, theo tôi, làm CEO trong bối cảnh như thế không những cần phải can đảm mà còn cần cả sự liều lĩnh! Một đồng nghiệp người nước ngoài của tôi nói rằng trong bối cảnh này, quản trị là dám làm những gì mình chưa dám làm, hay nói cách khác là dám làm những điều mình chưa bao giờ làm, để rồi nếu có bị cách chức thì cũng có thể cảm thấy thanh thản, vì ít ra mình đã tận tâm, tận lực với cái nghiệp CEO.
Theo Blog DN SGTimes - Nguyễn Công Phú - Giám đốc Châu Á-Thái Bình Dương, tập đoàn Apave