13/10/11

Kinh doanh trong thời khủng hoảng

[Marketing3k.vn] Một khách hàng tiềm năng có vẻ rất hào hứng với sản phẩm của doanh nghiệp trong tháng trước thì tháng này lại chần chừ chưa muốn mua. Một công ty khác muốn mua hàng nhưng lại yêu cầu giảm giá bán một nửa. Đây là những tình huống khá phổ biến mà doanh nghiệp có thể gặp phải khi nền kinh tế xuống dốc.

Làm gì đây khi dường như mọi cơ hội kinh doanh đều như bị chặn cả lại? dưới đây là một số gợi ý mà doanh nghiệp nên xem xét để vận dụng trong hoàn cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.

1. Đổi mới hoạt động kinh doanh

Trên thực tế, các doanh nghiệp có quy mô càng nhỏ càng có khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi của môi trường kinh doanh.

Nên dành thời gian để nhìn lại những điểm mạnh, điểm yếu và những thị trường tiềm năng mà doanh nghiệp có thể khai thác thay vì chỉ biết lẩn quẩn với những cách làm cũ.

Doanh nghiệp có cần phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ mới không? Hãy phân tích tình hình kinh doanh hiện tại và nói chuyện với các khách hàng thân thuộc để tìm hiểu nhu cầu thực của họ để từ đó tìm cách đáp ứng.

Khi đã xác định được hướng đổi mới, hãy mạnh dạn làm thử và đánh giá xem cách giới thiệu sản phẩm (hoặc dịch vụ) nào tốt nhất. Thay vì quảng cáo trên các kênh truyền thống, nên chăng chuyển sang quảng cáo trên internet?

Nếu đang bán hàng trực tuyến, có nên mở thêm kênh ngoại tuyến không?

2. Liên hệ với các khách hàng cũ

Đừng nghĩ rằng các khách hàng đã ngừng mua hàng thì không bao giờ quay trở lại mua nữa. Nhu cầu của khách hàng và tình hình thị trường luôn thay đổi nên họ hoàn toàn có thể quay lại mua hàng của doanh nghiệp.

Rất có thể một số bạn hàng cũ từng ký hợp đồng với doanh nghiệp vài năm trước nay vì có thay đổi về hướng hoạt động sẽ lại cần tới hàng hóa hoặc dịch vụ của doanh nghiệp.

Những khách hàng đã ra đi để đến với các đối thủ cạnh tranh khác có giá bán thấp hơn nay cũng có thể trở thành khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp do họ không hài lòng với chất lượng, dịch vụ của các đối thủ cạnh tranh.

Cũng có trường hợp người ra quyết định mua hàng nay đã nghỉ việc và người mới nhậm chức sẵn sàng nối lại sự hợp tác với doanh nghiệp.

3. Liên hệ với các đối thủ cạnh tranh của khách hàng hiện tại hoặc khách hàng cũ

Nếu một doanh nghiệp nào đó có nhu cầu về một vài loại sản phẩm nhất định thì nhiều khả năng các đối thủ cạnh tranh của họ cũng đang cần những sản phẩm đó.

Vì vậy, nên theo dõi hoạt động của các hiệp hội ngành nghề, các cuộc hội thảo, hội chợ triển lãm để tìm ra những nguồn khách hàng tiềm năng mới cho doanh nghiệp.

Sau khi gặp gỡ doanh nghiệp mới quen mà không thấy họ có nhu cầu về sản phẩm hay dịch vụ được mời chào thì đừng vội thất vọng, mà chịu khó đề nghị họ giúp tiếp cận với những đối tác khác có nhu cầu.

4. Tìm lại khách hàng triển vọng cũ

Một số doanh nghiệp trước đây đã nói không với sản phẩm hoặc dịch vụ được mời chào, nhưng do thời thế thay đổi, rất có thể họ đang cần chúng trong thời điểm hiện tại. Nên có kế hoạch tìm lại những khách hàng triển vọng đó để hiểu rõ nhu cầu của họ.

Việc liên lạc thường xuyên sẽ làm cho khách hàng nhớ ngay đến tên của doanh nghiệp khi họ cần mua sắm.

5. Tìm cách bán thêm sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng hiện tại

Cách dễ nhất để tạo thêm doanh thu là bán thêm hàng hóa cho khách hàng hiện tại. Chỉ cần chịu khó lắng nghe khách hàng, quan sát các cơ hội và nhanh chóng cung cấp đầy đủ cho họ thông tin về những sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp đang có sẵn.

6. Thường xuyên cập nhật thông tin khách hàng

Các số liệu thống kê cho thấy trong thập niên vừa qua, người lao động có thể thay đổi chỗ làm việc nhiều hơn hẳn so với trước đây. Hãy giữ liên lạc với các khách hàng cá nhân vì mỗi lần họ thay đổi công việc thì doanh nghiệp cũng có thêm những cơ hội mới để bán hàng cho nơi làm việc mới của họ.

7. Tham gia truyền thông xã hội

Truyền thông xã hội đang đóng một vai trò ngày càng lớn trong thế giới kinh doanh. Nên tìm các trang web truyền thông xã hội thu hút nhiều độc giả mà doanh nghiệp đang muốn tiếp cận để chủ động tham gia bằng cách góp ý kiến vào các cuộc thảo luận liên quan đến sản phẩm và ngành nghề, viết bài bình luận, trả lời các câu hỏi do độc giả đặt ra. Cũng nên xem xét đến việc đăng quảng cáo trên các trang web truyền thông xã hội.

8. Tìm cách xuất hiện nhanh trên các trang web tìm kiếm thông tin

Doanh nghiệp nên phối hợp với các trang web tìm kiếm thông tin để tên, địa chỉ của mình có thể được hiển thị dễ dàng, nhanh chóng qua các kết quả tìm kiếm hay bản đồ internet.

9. Hợp tác với các nhà cung cấp khác trong cùng phân khúc thị trường

Nguồn khách hàng do khách hàng hiện tại giới thiệu có thể tạo ra doanh thu nhiều nhất cho doanh nghiệp.

Một trong những cách dễ dàng để có được nguồn khách hàng này là hợp tác với các công ty có cùng phân khúc thị trường (tất nhiên không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp). Hai bên có thể thỏa thuận giới thiệu khách hàng cho nhau và liên kết quảng cáo trên trang web của nhau.

10. Phát triển nhiều nguồn tạo doanh thu khác nhau

Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ xây dựng nội dung trang web và tình hình kinh doanh đang có chiều hướng đi xuống thì nên cân nhắc việc cung cấp thêm các dịch vụ khác có liên quan như soạn thảo các ấn phẩm ngoại tuyến, các brochure hoặc tài liệu kỹ thuật, thiết kế trang web...