3/7/11

Dick rách rưới - Horatio Alger (1867)


[Marketing4u]Cho dù bạn làm gì, bạn sẽ thành công hơn nếu bạn làm việc đó với lòng trung thực, công bằng và làm hết khả năng của mình.” 


“ Nhưng Dick rất nhạy cảm nên không thể không biết rằng có thứ còn cần hơn tiền bạc để có được một địa vị đáng nể trong thế giới này. Ông cảm thấy mình rất dốt. Ông chỉ biết đọc và viết sơ sơ. Ông xem việc học còn khó khăn hơn những khó khăn nó thật sự có. Nhưng Dick có sự dũng cảm. Ông mong muốn học và quyết định mua cuốn sách với khoản tiền tiết kiệm đầu tiên của mình” 

Ta hy vọng rằng, chàng trai trẻ ạ, chàng sẽ giàu có và vươn ra thế giới, ông Whitney nói. Anh biết đấy, trong đất nước tự do này nghèo nàn không phải là rào cản cho sự tiến thân của một con người.

Thành phố New York của những năm giữa thế kỷ thứ mười chín là một nơi khủng khiếp đối với nhiều người. Những khu như Five Points (cảnh quay cho phim Băng đảng ở New York) đầy nguy hiểm và bẩn thỉu, nơi sinh sống của trẻ em bị bỏ rơi, không nhà cửa. Nhiều đứa trẻ phải ngủ ngoài đường, quần áo rách rưới. Ban ngày chúng đi bán dạo đồng hồ, bán báo, đánh giày hay móc túi để có tiền mua đồ ăn. Những người có trách nhiệm chẳng làm gì để giải quyết tình hình đó. Một sự kiện được nhiều người biết đến là vụ một trẻ em đường phố được phát hiện trong tình trạng trần truồng được Tổ chức xã hội ngăn chặn hành vi tàn ác với động vật đưa ra tòa. 

Horatio Alger không phải là người New York. Ông là người ghi sử biên niên về thế giới này cho một công chúng có thể không thích biết có sự việc này tồn tại. Ông đã được đưa vào tầng lớp trung lưu ở thành phố Massachusetts với nền giáo dục trường tư theo kiểu Harvard. 

Mặc dù ông đã có một vài tác phẩm được xuất bản như Dick rách rưới, hay Cuộc sống đường phố ở New York với trẻ đánh giày là tác phẩm bán chạy nhất của ông, đặt ra khuôn mẫu cho hàng chục cuốn truyện về đề tài thanh niên nghèo trở nên giàu có và gây ảnh hưởng đến đông đảo thanh niên Mỹ (Groucho Marx và Ernest Hemingway là hai trong số những người được cho là từng nghiền ngẫm tác phẩm của Alger). Chúng ta sẽ xem xét nét chính của câu chuyện và vị trí đáng kể của Alger trong chủ đề thành công. 


Câu chuyện Dick rách rưới 

Vào thời mà Công viên Central Park vẫn còn là “một mảnh đất gồ ghề” đầy những túp liều của công nhân, có một thằng bé đánh giày tên là Dick rách rưới. Mẹ chết, cha đi làm thủy thủ, Dick hằng ngày đi đánh giày cho các doanh nhân. Ban đêm, nếu còn vài đồng xu lẻ, nó đi xem các vỡ tuồng giá rẻ ở nhà hát Old Bowery, đến khuya thì quấn mình trong báo ngủ trên các con đường. Nếu có tiền thì nó qua đêm tại nhà trọ Newsboys với giá 6 xu một đêm và ăn một món trong quán cà phê. 

Sau khi vớ được một vận may bất ngờ, Dick thuê một căn phòng dơ dáy nhưng đối với nó lại rất xa hoa. Nó cho một thanh niên khác là một người nhiều hiểu biết tên là Henry Fosdick ở chung phòng, đổi lại người này sẽ dạy học cho nó. Một sự trao đổi có lợi cho cả đôi bên. Dick có được “kiến thức” và Fosdick thì có được một nơi tránh cái rét. Mặc dù hai người phải trải qua hàng loạt những nguy hiểm, họ vẫn tìm ra một con đường thành công. 

Câu chuyện rất thu hút, và người đọc thích thú với niềm vui của Dick đối với những việc nhỏ nhoi như một bộ quần áo mới, mở một tài khoản ngân hàng và ăn một miếng thịt nướng. Như Alger đã chỉ rõ, Dick về cuối câu chuyện đã trở thành Dick Hunter Esp là một người rất đáng yêu. Anh ta có sự gan dạ và trí thông minh để hỗ trợ cho những nỗ lực ta thiết muốn trở thành “được ngưỡng mộ”. Mặc dù lúc đầu bị thành phố xem là kẻ lừa đảo, bịp bợm giỏi nhất, anh vẫn là một người luôn luôn lạc quan. 

Tự tạo ra may mắn cho mình 

Dịp may lớn đến với Dick khi đi trên chuyến phà ngang qua Brooklyn. Nó trông thấy một đứa trẻ bị té từ trên bờ xuống nước và nó đã không do dự nhảy xuống và cố hết sức lôi đứa bé vào nơi an toàn. Người cha vô cùng lo sợ nhưng không biết bơi hết sức kinh ngạc khi đứa con được cứu sống và hứa đền ơn cho Dick bất kỳ thứ gì. Sau đó, người đàn ông cho Dick một công việc trong phòng tài vụ với tiền lương 10 đô la mỗi tuần, cao gấp nhiều lần thu nhập hiện tại của nó. Một cú may tuyệt vời? Không hẳn thế, chính sự quan tâm đến người khác của Dick là nguyên nhân của sự may mắn này và sự cần cù tư học hằng đêm giúp nó được tuyển vàol àm việc mà không cần đến việc làm từ thiện của cha đứa trẻ. 

May mắn đến với những ai biết cách làm tăng các khả năng xảy ra may mắn. 

Cho dù bạn làm gì, phải làm hết sức mình 

Cuộc sống dường như đòi hỏi rằng, ngay cả khi chúng ta không thích điều chúng ta đang làm, chúng ta cũng phải làm hết khả năng của mình trước khi chuyển sang làm việc kế tiếp. Dick rách rưới chỉ là một thằng bé đánh giày, nhưng nó biết dành dụm tiền bạc từ “nghề” của mình, gặp gỡ những người ở tầng lớp cao hơn và cũng thường giúp nó cải thiện bản thân mình. 

Ham mê đọc sách 

Dick gặp gỡ con trai của một người đàn ông giàu có và quanh quẩn trong thành phố một ngày. Về sau, cha của chàng trai ấy nói với Dick rằng “ở đất nước này, nghèo khổ không ngăn cản con người đạt thành công” và kể lại sự đi lên của ông từ một đứa học việc trong nhà in thành một doanh nhân thành đạt. Ông lưu ý rằng có một thứ ông mang theo từ xưởng in mà ông “quý hơn cả tiền bạc”. Khi Dick hỏi đấy là thứ gì, người đàn ông đáp: 

“Đó là sự ham thích đọc sách và nghiên cứu. Trong thời gian rỗi, ta tự nâng kiến thức của mình bằng việc học và thu được phần lớn kiến thức mà ta đang có. Quả thật đó là một trong những cuốn sách đã đưa ta vào con đường phát minh về sau này của ta. Vậy cháu thấy đấy, chàng trai của ta, thói quen siêng năng học tập của ta đã đền bù cho ta bằng tiền bạc cũng như bằng thứ khác.” 

Là một người biết tiết kiệm, nhưng rộng rãi 

Khi Dick nhận được một khoản tiền không mong đợi là 5 đô la, nó mở một tài khoản ở ngân hàng. Số tiền tích lũy được mang lại sự an tâm và tự hào cho nó bởi vì nó không còn phải sống cảnh giật gấu vá vai. Trong khi vui mừng vì đã trở thành một “nhà tư bản”, nó không ngần ngại giúp đỡ một người bạn đang gặp khó khăn. Fosdick, chàng trai được Dick cho ở chung phòng, muốn có một công việc trong văn phòng thay cho việc đánh giày, Dick liền mua cho anh ta một bộ áo quần tử tế hơn. Lần khác, nó giúp một đứa bạn thân có mẹ đang ốm. 

Đừng bao giờ lừa gạt, ăn cắp hay nói dối 

Dù đôi khi bị cám dỗ, Dick luôn tự nhắc nhở nó rằng “ăn cắp là hèn hạ”. Ý thức về danh dự và sự ngay thẳng của nó đối với nhiều người thì có vẻ là ngây thơ, ngốc nghếch nhưng cuối cùng lại chính là nguồn gốc của sự thành công. Là một người chỉ sống ngày nào biết ngày ấy, niềm tin của nó vào việc “hành động đúng” quả là nhìn xa trông rộng. Nhân vật Whitney nói với Dick rằng “Hãy nhớ rằng địa vị của con trong tương lai tùy thuộc phần lớn ở bản thân con, và nó cao hay thấp là do con quyết định.” 

Tính trung thực đối với đại đa số người đã trở thành “cổ hủ” lại chính là nền tảng của mọi người thành công bền vững bởi vì đó chính là sự hiểu biết về bản chất của bản thân. 

Không uống rượu và hút thuốc 

Trước khi biết đến tác hại nhờ chứng minh y khoa, Alger nói hút thuốc không mang lại phẩm giá cho người hút. Uống rượu dĩ nhiên còn tệ hơn. Nó là kẻ thù của sự tiết kiệm bởi vì bạn có thể phung phí tiền tiết kiệm của một tuần chỉ trong một đêm với một ly rượu, và kẻ thù của nền công nghiệp bởi vì dư vị không thể tránh khỏi của nó cũng ảnh hưởng đến ngày làm việc hôm sau của bạn. 

Xu hướng thực hành sự điều độ có lẽ đã trở nên lỗi thời nhưng rất nhiều cuộc đời lẽ ra sẽ tốt đẹp hơn nếu không uống cho dù một lượng rượu vừa phải. Đối với Alger, nó phá hoại sự nỗ lực, làm mụ mị đầu óc độc lập và làm mòn tính tốt. 

Lời bình cuối 

Dẫu là những câu chuyện hay có khả năng truyền cảm hứng cho người đọc, quan điểm chung của các sách do Horatio Alger viết đều là những mẫu chuyện có thực và cùng với một thông điệp giản dị đó là nỗ lực và tiến lên phía trước. Tuy nhiên, thành công có thể đơn giản nếu bạn có những yếu tố cơ bản của cá tính và khát vọng cộng với một ít may mắn. Ý tưởng của Alger về sự thành công bao hàm cả một yếu tố mạnh mẽ đó là trách nhiệm xã hội và cương vị của những người có trách nhiệm. Bạn có thể kiếm tiền, nhưng cuối cùng thì tiền cũng nên trả lại cho xã hội như Andrew Carnegie đã làm bằng việc tài trợ cho các thư viện công. Alger đã biến Dick trở thành một mẫu người của chủ nghĩa tư bản giàu lòng thương người nhờ sự sẵn sàng giúp đỡ người cần giúp đỡ. 

Nhiều kẻ bất lương nói đến trong các sách của ông là con cái nhà giàu chưa bao giờ cố gắng hoàn thiện tính cách của mình. Ý chính của Alger muốn nói là chúng ta nên phấn đấu để thành công không chỉ để có một gia tài mà để có được sự kiên cường, tính kỷ luật, tính tiết kiệm và lạc quan, đó là những tính chất không thể mua bằng tiền. 

Horatio Alger 
Sinh năm 1832 tại Revere, Massachusetts. Lúc 14 tuổi, Alger được cha đưa đến trường nội trú. Cha ông là một bộ trưởng theo thuyết nhất thể (Unitarian). Lên 16 tuổi, Alger vào trường đại học Harvard. Trong thời gian ở đây, ông rất thích thú và đứng thứ 10 trong số 62 sinh viên của lớp, giỏi tiếng Hy Lạp, La tinh, Pháp và Ý. 

Không được phép cưới cô người yêu ở trường trung học, chàng trai Alger với trái tim tan nát đã bất chấp cha thể hiện ý định trở thành nhà văn. Ông đồng ý đến khoa thần học, nhưng ngay trước khi tốt nghiệp, ông bỏ sang Paris với vài người bạn và tận hưởng không khí tự do. Quay trở lại Mỹ, ông được phong chức và trở thành mục sư nhà thờ ở Massachusetts, nhưng lai ra đi và đến New York theo gợi ý của William T.Adam, biên tập của tờ Student anh Schoolmate. Phần đăng hàng tuần của cuốn Dick rách rưới đã được đón đọc rộng rãi và phiên bản in thành sách đã trở thành tác phẩm bán chạy nhất. Alger là người được chào đón ở New York và tham gia những ban và hội đồng khác nhau để cải thiện số phận của trẻ em đường phố. Ông sống một vài năm ở nhà trọ Newboys và mất năm 1899.

Các cuốn sách khác của Alger (trên 100 cuốn) bao gồm: Nỗ lực và thành công, Đầu tranh hướng về phía trước, Buộc phải đứng lên, và Từ chàng trai kênh đào trở thành tổng thống, viết về cuộc đời của vị tổng thống bị ám sát James Garfield. 

Giới thiệu các sách cùng chủ đề: 
  • Andrew Carnegie “Tự truyện của Andrew Carnegie” 
  • Russell H.Conwell “Cánh đồng kim cương” 
  • Benjamin Franklin “Con đường đến sự giàu có” 
  • Orison Swett Marden “Tiến lên phía trước”
  • Samuel Smiles “Tự giúp mình”